10/10/2023
Lượt xem: 244
Chùa Linh Quang tọa lạc tại xã Tam Thanh, nằm ở vị trí cách trụ sở UBND xã khoảng 500m và cách cảng Phú Quý 1,5km về hướng Đông Bắc, cách trung tâm huyện lỵ Phú Quý khoảng 2km về hướng Đông Nam.
XEM TẤT CẢ 25 ẢNH
Ngôi chùa tọa lạc tại trung tâm xã Tam Thanh, giữa khung cảnh thanh bình thích nghi với việc thiền định của Phật giáo, đến với di tích du khách sẽ được thưởng lãm một quần thể công trình kiến trúc dân gian bề thế kết hợp với khung cảnh thiên nhiên trữ tình nên thơ, có sức hấp dẫn và cuốn hút. Lối kiến trúc nghệ thuật, chạm khắc, hội họa trang trí từ ngoài vào trong thể hiện rõ nét tính chất tôn giáo; từ nghệ thuật chạm khắc trên các pho tượng Phật đến các mảng đề tài trang trí thể hiện vừa mềm mại khéo léo, vừa sống động huyền ảo của cõi Phật pháp.
Chùa Linh Quang được đặt tên là Linh Quang tự, với hàm ý nhằm cầu mong hào quang, ánh sáng của chùa luôn hiển linh soi sáng để cứu độ cho dân chúng trên đảo có cuộc sống an bình và hạnh phúc.
Lịch sử hình thành Phật giáo ở Bình Thuận và Phú Quý đều gắn liền với quá trình di dân về phía Nam khẩn hoang, lập nghiệp của cư dân từ các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ vào thế kỷ XVII - XVIII. Trong các đoàn di dân ấy có các Nhà sư, họ mang theo giáo lý của đạo Phật vào đảo Phú Quý khai sáng, lấy đạo hạnh và từ bi để cứu giúp con người khỏi bể khổ trầm luân ở cuộc sống nhân gian.
Chùa Linh Quang có lịch sử tạo lập sớm nhất, là khởi nguồn của quá trình truyền bá ánh sáng Phật giáo từ đất liền ra đảo Phú Quý. Theo gia phả và các nguồn sử liệu lưu truyền lại, thì chùa được vị Sư tổ có công khai lập chùa là ông Nguyễn Cánh tạo dựng vào đời Cảnh Hưng năm thứ 8 (1747), thuở sơ khai ban đầu chỉ là ngôi tiểu am tranh lá đơn sơ đứng trầm mặc trên ngọn đồi hoang vắng. Trước khi qua đời, Sư tổ Nguyễn Cánh đã giao lại cho con trai là Nguyễn Khách kế thừa ngôi tiểu am và một số di vật quý. Kế tục cha, Nhà sư Nguyễn Khách cùng người dân trên đảo đã tu sửa, mở rộng ngôi tiểu am thành ngôi chùa tranh, tuy còn đơn sơ nhưng tạo ra cảnh Phật tràng trang nghiêm hơn trước.
Đến cuối thế kỷ XVIII, một cơn hỏa hoạn bất ngờ ập đến thiêu rụi hoàn toàn ngôi chùa tranh. Hầu hết những di vật quý của chùa bị thiêu cháy, chỉ còn sót lại một số pho tượng Phật bằng đồng được cứu thoát mang trên mình nhiều vết cháy loang lổ. Sau vụ hỏa hoạn, giới tín đồ Phật tử và người dân đã phát tâm xây dựng lại ngôi chùa mới ngay trên nền ngôi chùa cũ để có nơi chiêm bái đức lễ Phật.
Người dân trên đảo lưu truyền rất nhiều huyền thoại linh hiển gắn với chùa Linh Quang và đáng chú ý là huyền thoại về tảng linh thạch nổi ở đảo Hòn Tranh. Truyền thuyết kể rằng: Sau cơn hỏa hoạn, khi ngôi chùa mới được xây xong thì bỗng dưng có một điềm lạ, tại một khúc eo biển đảo Hòn Tranh nổi lên một tảng linh thạch vào những ngày lành tháng tốt, sau đó lại chìm xuống và hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Cho đây là điềm lành mà Trời, Phật báo đáp, giới tín đồ Phật tử và người dân trên đảo rủ nhau đến chùa cầu nguyện đức Phật, rồi đưa ghe thuyền qua đảo Hòn Tranh làm lễ thỉnh tảng linh thạch về chùa. Tảng linh thạch được các nghệ nhân dày công tạc thành pho tượng Bổn Sư Thích Ca Màu Ni đưa vào thờ tại chùa Linh Quang và pho tượng này đến nay vẫn được lưu giữ thờ phụng ở Chính điện. Còn khúc eo biển bên đảo Hòn Tranh, nơi tảng linh thạch nổi lên được người dân trên đảo gọi tên là “Vũng Phật”.
Nhiều truyền thuyết kể về Nguyễn Ánh trong những lần giao chiến trên biển thất bại, bị quân Tây Sơn truy đuổi phải bôn tẩu bằng đường biển ra đảo Phú Quý. Trong thời gian ẩn náu trên đảo, Nguyễn Ánh từng đến chùa Linh Quang để khấn niệm và cầu mong đức Phật bảo bọc, chở che và phù hộ cho vận mệnh của mình.
Chùa Linh Quang đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần; đợt trùng tu, tôn tạo lớn nhất là vào năm 1992 đã đưa diện mạo ngôi chùa thêm phần bề thế và trang nghiêm hơn. Các hạng mục kiến trúc đều có hướng chính quay về phía Tây Bắc, gồm: Chính điện, Gian thờ Tổ, Đại môn, Hội quán, nhà Tăng. Sau này chùa tiếp nối xây dựng thêm ngôi Bảo tháp 9 tầng cao 27m và cảnh Đạo tràng Phật tích… tạo nên cảnh Phật tràng thanh tịnh và thâm nghiêm.
Chùa Linh Quang còn lưu giữ nhiều di vật quý có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật như: đại hồng chung, trống đại phổ bát nhà, hoành phi, liễn đối, bao lam, sắc phong, gia phả, tư liệu Hán Nôm; giá trị nhất là sưu tập tượng Phật cổ được tạo nên từ nhiều chất liệu khác nhau như: đá, đồng, gỗ, đất nung và 5 sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng cho các vị thần thờ tại chùa. Đây là nguồn sử liệu quan trọng, quý giá góp phần để nghiên cứu nguồn gốc dân cư và lịch sử khai lập đảo Phú Quý.
Từ bao đời nay, chùa Linh Quang đã trở thành chỗ dựa tinh thần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân trên đảo, là nơi gửi gấm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho người dân Phú Quý xây dựng và bảo vệ đảo. Với những giá trị và ý nghĩa tiêu biểu như trên, chùa Linh Quang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia năm 1996. Đặt biệt, Bảo tháp 9 tầng cao 27m đã được tổ chức GuinnessViệt Nam công nhận là bảo tháp lớn nhất của các đảo Việt Nam.
Đến với chùa Linh Quang ngoài vãng cảnh chùa, lễ Phật; du khách còn khám phá, chiêm ngưỡng những giá trị kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn đặc trưng Phật giáo trên đảo Phú Quý, được nghe những huyền thoại linh hiển gắn với quá trình hình thành ngôi chùa và khai sáng Phật pháp nơi đây.
CHÙA LINH QUANG
CHÙA LINH QUANG
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam