10/10/2023
Lượt xem: 286
Đền thờ công chúa Bàn Tranh tọa lạc tại thôn Quý Hải, xã Long Hải, cách UBND huyện Phú Quý và cảng Phú Quý khoảng 4km về hướng Đông Bắc. Đền thờ công chúa Bàn Tranh đã được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2007. Sau đó, đền thờ được lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nâng lên xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2015
XEM TẤT CẢ 25 ẢNH
Đây là một ngôi đền thờ do người Chăm xây dựng từ cuối thế kỷ XV, theo tương truyền công chúa Bàn Tranh của vương quốc Chămpa cổ do phạm tội đã bị vua cha đày ra đảo từ khi còn rất trẻ và sống cho đến già, khi chết được mai táng tại đây. Về sau khi người Việt đến đảo tiếp quản và gọi là đền thờ công chúa Bàn Tranh. Do công lao to lớn cũng như sự linh thiêng của Bà trong việc phù hộ, độ trì cho người dân trên đảo, nên Bà được tôn xưng là Bà Chúa Xứ hoặc Bà Chúa Đảo.
Đền thờ công chúa Bàn Tranh thể hiện bước kế thừa, tiếp biến và tích hợp văn hóa hết sức khéo léo của người Việt đối với văn hóa truyền thống Chăm khi đến tiếp quản và xây dựng cuộc sống trên đảo Phú Quý. Ngoài việc kế thừa, thờ phụng công chúa Bàn Tranh, trong dân gian Phú Quý đến nay vẫn còn lưu lại những truyền thuyết về Bà; trong tâm thức và suy nghĩ người dân trên đảo xem Bà là vị thần rất hiển linh, luôn ở bên cạnh để che chở, phù trợ trong nghề nghiệp và trong cuộc sống. Trong nhiều thế kỷ qua, người Việt ở Phú Quý đã không ngừng đóng góp công của trùng tu và tôn tạo, cũng như thờ phụng, cúng tế trang nghiêm theo phong tục tập quán của mình.
Tín ngưỡng thờ công chúa Bàn Tranh lâu nay đã trở thành tín ngưỡng chung và thiêng liêng nhất của người dân trên đảo, việc thờ phụng và cúng tế hàng năm được diễn ra luân phiên giữa các làng thuộc 3 xã trên đảo với nhau (xưa kia là 14 làng, sau này là 9 làng), mỗi làng được giữ sắc phong, phụng thờ và cúng tế một năm, qua năm sau luân chuyển sang làng khác.
Đền thờ công chúa Bàn Tranh tọa lạc trên khuôn viên đất rộng rãi, thoáng mát gần chân núi Cao Cát và được nhân dân trên đảo gọi là khu ruộng Bà Chúa. Kiểu dáng kiến trúc đền thờ hiện nay không còn lưu giữ kết cấu nguyên gốc như xưa, vì đền bị hư hỏng và được tu bổ, tôn tạo, sửa chữa nhiều lần. Đền thờ được tôn lạo lại gần đây có quy mô và kết cấu kiến trúc bề thế, trang nghiêm, gồm: Chính điện, Võ ca, nhà Khách, nhà Khói và Cổng chính; phía trước là một khoảng sân rộng lát gạch sạch sẽ, là nơi tổ chức hành lễ và trò chơi dân gian vào những dịp lễ hội. Hướng chính của đền quay về phía Tây Nam.
Giá trị của kiến trúc và linh hồn của đền thờ tập trung ở Chính điện. Nội thất bài trí 3 khám thờ, khám giữa thờ công chúa Bàn Tranh, hai khám hai bên thờ Tiền hiền và Hậu hiền. Ở giữa trên khám chính thờ 3 Kut đá đặt trên bệ, Kut ở giữa lớn hơn hai Kut ở hai bên. Thay vì Kut của người Chăm có những đường nét điêu khắc và trang trí đặc trưng riêng; còn Kut ở đây đã có sự giao thoa giữa điêu khắc và trang trí của người Việt xen lẫn điêu khắc và trang trí của người Chăm. Giữa các bia Kut có khắc một số chữ Hán Nôm như bài vị thờ có nội dung: Cung Bà Tranh vương thần vị (Cung thỉnh bài vị Bà Tranh vương).
Trong Chính điện còn bố trí hai khám thờ Tiền hiền và Hậu hiền đã có công khai lập, gìn giữ và tôn tạo đền thờ từ trước đến nay. Ngoài ra, tại đền thờ công chúa Bàn Tranh còn lưu giữa một số hoành phi, câu đối khắc ghi bằng chữ Hán Nôm có nội dung ca ngợi công đức của công chúa Bàn Tranh và các bậc Tiền, Hậu hiền.
Do có công lao rất lớn trong việc khai phá, mở mang đất đai trên đảo nên công chúa Bàn Tranh được các vua triều Nguyễn đã ban tặng cho Bàn Tranh 8 sắc phong. Trong số 8 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng cho công chúa Bàn Tranh chỉ có 5 điệu sắc ban riêng cho Bà. Còn 3 điệu sắc khác ban chung cho công chúa Bàn Tranh cùng thầy Sài Nại - là một người Hoa được người dân trên đảo tôn sùng và xây dựng đền thờ để phụng cúng. Các sắc phong là tài sản quý giá, phản ánh chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng hải đảo xa xôi dưới thời các vua triều Nguyễn, đây là nguồn tư liệu lịch sử xác thực rất hữu ích trong quá trình nghiên cứu lịch sử đảo Phú Quý.
Hằng năm tại đền thờ tổ chức kỳ lễ hội chính đó là Lễ kỵ công chúa Bàn Tranh diễn ra vào ngày mùng 3 tháng giêng Âm lịch; do thời điểm lễ hội diễn ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên thu hút hầu như toàn bộ người dân trên đảo tham gia bái lễ và du xuân cùng lễ hội.
Bên cạnh đó, lễ hội thầy Sài Nại diễn ra ngày mùng 4 tháng tư Âm lịch, đây vừa là ngày kỵ Thầy, đồng thời cũng là ngày giao phiên sắc phong của công chúa Bàn Tranh và thầy Sài Nại giữa làng này qua làng khác trên đảo. Trong lễ hội, sau khi lễ tế thầy Sài Nại tại đền thờ kết thúc; làng đến phiên thờ phụng sắc phong phải tổ chức đoàn lễ tục đến đền thờ thầy Sài Nại để tiếp nhận và thỉnh sắc phong đến đền thờ công chúa Bàn Tranh bái lễ và rước về an vị thờ phụng tại một ngôi đình, đền thờ hay lăng vạn của làng mình.
Lễ hội diễn ra tại đền thờ công chúa Bàn Tranh hàng năm thu hút đông đảo các cộng đồng người dân trên đảo tham gia với tinh thần, thái độ thành kính và là chỗ dựa không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh từ xưa đến nay của nhân dân trên đảo. Chính lễ hội tại đền thờ công chúa Bàn tranh đã khơi dậy những giá trị văn hóa nhân văn tốt đẹp của người Việt Nam, đó là cách đối nhân xử thế của các thế hệ đi sau luôn tưởng nhớ, ghi ơn công lao của các thế hệ tiền nhân đi trước đã dày công khai phá đất đai, tạo lập xóm làng. Lâu nay, việc thờ phụng, cúng tế công chúa Bàn Tranh là trách nhiệm chung của người dân các làng trên đảo. Đây là nét mới lạ, độc đáo và riêng biệt chỉ có trên đảo Phú Quý mà ít khi thấy ở những nơi khác.
Du khách đến đền thờ công chúa Bàn Tranh, ngoài bái lễ, chiêm ngưỡng lối kiến trúc mang dấu ấn giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Chăm trong lịch sử; được nghe những câu chuyện kể, sự tích linh hiển về Bà, ngắm nhìn thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ tuyệt đẹp của núi Cao Cát từ xa và sau đó di chuyển chỉ mất hơn 5 phút để chinh phục đỉnh núi này và bái Phật tại chùa Linh Sơn tọa lạc trên đỉnh núi Cao Cát.
ĐỀN THỜ CÔNG CHÚA BÀN TRANH
ĐỀN THỜ CÔNG CHÚA BÀN TRANH
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam