29/12/2024 12:08:15
Lượt xem: 274
(TITC) - Đảng bộ Tuyên Quang xác định phát triển du lịch là một trong lĩnh vực đột phá kinh tế của tỉnh với mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là phát huy tiềm năng, khai thác tốt loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng.
Thời gian quan, Tuyên Quang đã xác định phát triển du lịch là một trong lĩnh vực đột phá kinh tế. Mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm là phát huy tiềm năng, khai thác tốt loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, hoạt động du lịch cộng đồng đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của đảng ủy, chính quyền, các cấp ngành, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và toàn hệ thống chính trị. Bước đầu, Tuyên Quang đã hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức được Tuyên Quang quan tâm đẩy mạnh, tạo được ý thức giữ gìn, bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan, môi trường tại những điểm du lịch cộng đồng của nhân dân; bà con cũng tự nguyện tham gia các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng.
Du khách trải nghiệm ruộng bậc thang mùa lúa chín xã Hồng Thái huyện Na Hang. Ảnh TITC
Tiêu biểu như điểm du lịch cộng đồng thôn Tân Lập (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương) có 2 ngôi nhà sàn năm xưa Bác Hồ đã từng ở và làm việc; ngày nay vẫn được bảo tồn nguyên giá trị gốc phục vụ khách tham quan. Điểm du lịch cộng đồng thôn Tân Lập có BQL với quy chế hoạt động riêng, có đội văn nghệ phục vụ du khách, dịch vụ ăn, nghỉ tại nhà dân… Hay như huyện Lâm Bình, có nhiều thôn đều đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Có thể kể đến như điểm du lịch thôn Nà Tông, Nà Đông xã Thượng Lâm; điểm du lịch thôn Nà Muông xã Khuông Hà; điểm du lịch thôn Nặm Đíp xã Lăng Can… Hoạt động mô hình du lịch cộng đồng huyện Lâm Bình khá hiệu quả, phát huy thế mạnh văn hóa các dân tộc địa phương. Huyện Chiêm Hóa cũng có các thôn phát triển du lịch cộng đồng: thôn Bản Ba xã Trung Hà, thôn Biến xã Phúc Sơn, thôn An Thịnh xã Tân An, thôn Bó Củng xã Kim Bình… Các điểm du lịch đều tập trung khai thác sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa…
Thầy mo làm lễ cúng trước lễ nhảy lửa phục vụ du khách ở huyện Lâm Bình. Ảnh TITC
Từ hoạt động phát triển du lịch cộng đồng, nhận thức của người dân đã được nâng lên, đã có trách nhiệm trong bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường. Các loại hình văn hóa, nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống được khôi phục, phát triển sản xuất hàng hóa địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Từ quyết tâm của Đảng bộ tỉnh, Tuyên Quang đã triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng Tuyên Quang nói riêng. UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023 - 2030; Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025 và Kế hoạch phát triển du lịch hằng năm nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang cũng ban hành nhiều nghị quyết quan trọng phát triển du lịch, trong đó có Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Trình diễn văn hóa bản địa giao lưu cùng du khách ở homestay Nặm Đíp huyện Lâm Bình. Ảnh TITC
Từ những chính sách, quyết sách đó, các huyện, TP. Tuyên Quang cũng tích cực triển khai xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Huyện Chiêm Hóa đã thực hiện Đề án “Bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Tày gắn với khu di tích lịch sử Kim Bình”, “Điểm dừng chân đèo Gà gắn với du lịch cộng đồng xã Phúc Thịnh”; hỗ trợ kinh phí xây dựng các nhà sàn truyền thống bằng vật liệu bền vững, các biển chỉ dẫn du lịch… Huyện Lâm Bình, Sơn Dương hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân xây dựng nhà sàn, công trình vệ sinh du lịch để bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch… TP. Tuyên Quang đã nghiên cứu, lập đề tài khoa học cấp tỉnh về “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Làng Văn hóa Giếng Tanh gắn với phát triển du lịch bền vững Tuyên Quang”; huyện Na Hang xây dựng Kế hoạch phát triển Làng Văn hóa Du lịch thôn Nà Khá xã Năng Khả, thôn Khau Tràng xã Hồng Thái; huyện Hàm Yên xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch thôn Cao Đường xã Yên Thuận…
Bên cạnh đó, Tuyên Quang đã vận động, hướng dẫn các hộ gia định tham gia hoạt động homestay chỉnh trang nhà cửa, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Các địa phương đã lập đội văn nghệ, hỗ trợ trang bị, tập huấn luyện tập các tiết mục để phục vụ khách du lịch… Tuyên Quang cũng đã phục dựng và tổ chức các hoạt động lễ hội thu hút khách du lịch như lễ hội Động Tiên, chợ Thụt, lồng tông, nhảy lửa, cầu mùa, cấp sắc…; tập luyện các làn điệu dân ca, dân vũ như hát Then, Sình ca, Páo Dung; thành lập CLB chèo kayak… để phục vụ khách du lịch.
Homestay Nặm Đíp huyện Lâm Bình. Ảnh TITC
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Tuyên Quang Lê Thanh Sơn nhấn mạnh, Tuyên Quang đang tập trung nguồn lực quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch. Trong đó, danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia… Theo ông Sơn, quy hoạch du lịch sẽ làm cơ sở định hướng phát triển du lịch cho các vùng, địa phương, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tuyên Quang cũng như của cả nước. Quy hoạch góp phần khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch; bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng trong cả nước.
Đồng bào địa phương giao lưu cùng du khách tại đình Tân Trào. Ảnh TITC
Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tân Lập được trồng hoa tạo cảnh quan thu hút du khách. Ảnh TITC
Du khách trải nghiệm xay lúa, giã gạo tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tân Lập. Ảnh TITC
Du khách học làm bánh dày, bánh trứng kiến cùng đồng bào tại homestay Nặm Đíp. Ảnh TITC
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: Tuyên Quang , du lịch cộng đồng , làng văn hóa
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60479
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam