29/12/2024 11:24:31
Lượt xem: 714
(TITC) - Đền Mẫu là một di tích độc đáo trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt phố Hiến, là một trong những nơi thờ cúng linh thiêng của tỉnh Hưng Yên, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương. Đền Mẫu, còn có tên gọi khác là Hoa Dương Linh Từ. Đền Mẫu thờ bà Quý phi họ Dương của triều Tống nước Trung Quốc, một điều hiếm gặp trong các đền thờ cổ của người Việt.
Nghi môn với cửa xây vòm cuốn, bên trên có dòng chữ triện ghi “Dương Thiên Hậu - Tống Triều” và dòng chữ Hán được ghép bằng các mảnh gốm lam ghi “Thiên Hạ mẫu nghi”. Ảnh TITC
Theo “Đại Nam nhất thống chí” đền Mẫu xây dựng vào thời Trần Nhân Tông (1279). Trải qua các triều đại, đền đều được trùng tu; năm Thành Thái thứ 8 (1896), Đền Mẫu được trùng tu lớn có quy mô như ngày nay. Đến năm 1990, đền Mẫu được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Đền Mẫu là một di tích độc đáo trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt phố Hiến, là một trong những nơi thờ cúng linh thiêng của tỉnh Hưng Yên, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương. Sự linh thiêng đã được thần thánh hóa thành những câu chuyện truyền đời về sau. Trong đó có chuyện vua Trần Anh Tông đi đánh Chiêm Thành năm 1294, qua vùng phố Hiến nằm mộng thấy thần nữ đến xin âm phù giết giặc. Sau khi thắng trận trở về, nhớ tới công lao đó, một mặt nhà vua cho tôn tạo lại đền, miếu, một mặt cho các bến bãi thu thuế thuyền buôn trích ra một phần cung cấp cho việc phụng thờ. Người dân đi biển, thương nhân đến đây lễ bái cầu xin đều được như ý, thuận buồm xuôi gió...
Lễ hội đền Mẫu. Ảnh sưu tầm
Dù trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc đền vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn, cổ kính. Nghi môn của đền được xây dựng khá đẹp, kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, cửa xây vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ. Trên vòm cuốn có dòng chữ triện ghi “Dương Thiên Hậu - Tống Triều”, bên trên có dòng chữ Hán được ghép bằng các mảnh gốm lam, nét điển hình của kiến trúc thời Nguyễn ghi “Thiên Hạ mẫu nghi”. Qua cổng đền là khoảng sân rộng với cảnh sắc thanh bình. Sân đền có cây đa cổ thụ, tuổi đời hơn 700 năm; gốc cây tạo thành thế ba chân vững chắc, tán lá rủ bóng um tùm quanh đền tăng thêm vẻ trang nghiêm chốn tâm linh.
Không gian khu Đại bái. Ảnh TITC
Kiến trúc đền được xây kiểu chữ Quốc gồm Đại bái, Trung từ, Hậu cung và hai dãy giải vũ. Toà đại bái với 3 gian, kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái; các đao mái uốn cong mềm mại kiểu rồng chầu, phượng mớm, lợp ngói vảy rồng, chính diện đắp lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên đại bái là điện Lưu Ly và cung Quảng Hàn. Bên trong Đại bái được chạm trổ, trang trí tinh xảo; bên trên khu vực trung tâm có bức châm bằng chữ vàng của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh viết năm 1896, nội dung bức châm ca ngợi cảnh đẹp của ngôi đền và tấm lòng trinh tiết của Quý phi. Trung từ gồm 3 gian, được trang trí lộng lẫy với hệ thống câu đối, hoành phi, đồ tế tự, kiệu long đình, kiệu bát cống… sơn son thiếp vàng rực rỡ, ca ngợi sự trinh tiết và lòng trung thành của Quý phi. Hậu cung gồm 5 gian, đặt tượng thờ Quý phi họ Dương cùng 2 người hầu là Kim Thị và Liễu Thị được sơn son thiếp vàng, có niên đại từ thế kỷ XVII-XVIII. Ngoài ra đền còn lưu giữ 15 đạo sắc phong quý giá từ triều Lê đến triều Nguyễn. Du khách thập phương truyền tai nhau đền Mẫu rất thiêng, xin duyên được duyên, xin điều lành thì ai nấy đều bình an, sức khỏe, công việc làm ăn đều thuận lợi. Cũng không biết từ bao giờ, du khách viếng đền thường truyền tai nhau việc sờ đầu rồng ở cỗ kiệu bát cống lấy may, nam tay trái, nữ tay phải, xem như một chút tâm linh khi về viếng đền.
Du khách tham quan đền Mẫu. Ảnh TITC
Lễ hội Đền Mẫu tổ chức từ ngày 10-15 tháng 3 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương về tham dự, chiêm bái, cầu mong những điều tốt lành, hạnh phúc. Phần lễ diễn ra long trọng với phần rước kiệu và lễ tế; phần hội có các trò chơi dân gian, hát chầu văn. Ngoài ra, ngày 14-7 âm lịch cũng là ngày trọng đại của Đền; là ngày mộc dục, tức là ngày thay áo cho Mẫu.
Tương truyền, đền Mẫu Hưng Yên rất linh thiêng. Ảnh TITC
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: đền mẫu , hưng yên , phố hiến , Dương Quý Phi
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60477
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam