28/12/2024 15:30:50
Lượt xem: 338
(TITC) - Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hàng năm, nghi thức thờ cúng đều được thực hiện tại đền Hùng Lô (Việt Trì – Phú Thọ) vào những ngày đầu năm. Sở VHTTDL Phú Thọ cũng có kế hoạch phục dựng nghi thức thờ cúng này thành sản phẩm phục vụ du lịch.
Một nghi thức trong lễ cúng Hùng Vương. Ảnh TITC
Quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình diễn tiến từ thấp đến cao và liên tục được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Các vua Hùng được suy tôn chính là tổ tiên chung của cả dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành loại hình tín ngưỡng văn hóa tôn giáo đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của các thế hệ người dân Việt Nam. Đây là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh dân tộc Việt, cũng là biểu tượng khơi nguồn, tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong suốt những chặng đường lịch sử của mình.
Nghi thức dâng hương. Ảnh TITC
Cũng giống như việc thờ cúng tổ tiên trong các gia đình, làng xóm, trước khi thực hiện các nghi lễ cũng tế đều phải dọn dẹp, trang hoàn ban thờ, chuẩn vị lễ vật... Sau khi mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, mọi người đã vào vị trí theo sự phân công của Ban tổ chức và các cụ cao niên trong làng, nghi lễ thờ cúng Vua Hùng sẽ được cử hành. Mọi động tác, thủ tục trong lễ thờ cúng đều nhất nhất tuân theo thủ dụ của 2 vị quan Đông xướng và Tây xướng.
Toàn bộ các nghi thức phải tuân theo sự điều hành của quan Đông xướng và Tây Xướng. Ảnh TITC
Quá trình thực hiện lễ cúng tế, quan Đông xướng sẽ lần lượt đưa ra rất nhiều khẩu lênh khác nhau; các khẩu lệnh đều mang hơi hướng văn phong cổ. Khâu tiền tế sẽ được xướng các khẩu lệnh: “Khởi chung cổ”; : “Cổ Sơ nghiêm”; “Cổ Tái nghiêm”; “Cổ Tam nghiêm”; “Nhạc sinh cử nhạc”; “Củ soát tế vật”; “Uế mao huyết”; “Lễ vật dĩ túc”; “Lễ vật chí thành”... Cùng với đó là quan Trưởng tế và các quan tư văn lần lượt theo thứ tự cấp bậc trong lễ cúng vào chính điện lễ bái; lễ vật được bày lên, các quan Trưởng tế và tư văn sẽ kiểm lễ vật lần cuối và bày biện hợp lý. Nhạc lễ nổi lên, nhà Vua cũng được mời ra Ngự lãm...
Chỉ có thủ từ mới được phép lên thượng cung bày biện lễ vật. Ảnh TITC
Sau khi xong các khâu tiền tế, quan Đông xướng lại hô: “Chấp sự giả các tư kỳ sự, tế quan giữ, chấp sự quan, các nghệ quán tẩy sở”; “Bồi tế quan tựu vị, tế quan tựu vị”; “Thượng hương”; “Nghinh đại vương thần cúc cung bái”; các quan tế vái bốn vái ở dưới. Lúc này quan Đông xướng và Tây xướng thay nhau xướng các lệnh: “Hơng”; “Bái”; “Bình thân”... Quan Trưởng tế và các quan tư văn theo lệnh sẽ rửa tay, chỉnh áo mão, dâng hương, lễ bái...
Quá trình tế lễ diễn ra trang nghiêm, các câu lệnh liên tục được xướng lên theo những luật tục riêng. Sau khi hóa văn tế, các hương lão chức sắc mới được vào tế lễ. Ảnh TITC
Quá trình tế lễ diễn ra trang nghiêm, các câu lệnh liên tục được xướng lên theo những luật tục riêng: “Hành sơ hiến lễ”; “Nghệ tửu tôn sở”, “Tử tôn giả cử mịch”; “Nghinh đại vương thần vị tiền”; “Quỳ, tiến tước”; “Hiến tước”; “Phủ phục”; “Phục vị”; “Đọc chúc”; “Nghệ đọc chúc vị”; “Giai quỳ”; “Chuyển chúc”; “Ẩm phước”; “Nghệ ẩm phước vị”; “Tạ đại vương thần cúc cung bái”; “Phần chúc”... Theo các cụ cao niên trong Ban quản lý Di tích đình Hùng Lô, lễ tế vua Hùng có 3 tuần rượu. Tuần rượu thứ hai và thứ ba diễn ra lặp lại tương tự như tuần rượu đầu. Trong lễ cúng nhất thiết phải có đủ các bước tế lần lượt, để đảm bảo tính tôn nghiêm và trang trọng. Việc thực hiện các bước cũng phải tuân theo một nghi thức lễ tiết rất riêng và nghiêm ngặt. Kết thúc tuần rượu thứ ba là phần thụ tộ, lúc này chỉ mình trưởng tế đi lên quỳ vào chiếu, ưống rượu và sờ vào địa trầu cau do thủ từ đưa đến, tượng trưng cho thụ lộc thánh ban. Ngày xưa thì có chén rượu và miếng thịt, sau khi uống rượu và ăn thịt, trưởng tế vái 2 vái rồi đi xuống; tương truyền đấy là lộc vua Hùng ban lúc sinh thời.
Sau khẩu lênh “Phần chúc”, người đọc văn tế lên đình trên hóa văn tế, rồi các quan tế cùng vái 3 vái kết thúc lễ tế; lúc này các hương lão chức sắc mới được vào tế lễ.
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: lễ tế , thờ cúng Hùng Vương , Đông xướng , Tây xướng , Hùng Lô , Việt Trì , Phú Thọ
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/60454
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam