23/11/2024 15:35:08
Lượt xem: 216
(TITC) - Sáng ngày 23/11, tại Quảng Ngãi, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng và Tổng biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ đồng chủ trì Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng và Tổng biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ đồng chủ trì Hội thảo (Ảnh: BTC)
Dự hội thảo còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL Quảng Ngãi và Bình Định; các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch; lãnh đạo UBND, Phòng VH&TT các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi; các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người đồng bào dân tộc thiểu số và các cơ quan thông tấn báo chí…
Hội thảo được tổ chức nhằm thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Qua đó tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Đồng thời, góp phần thúc đẩy mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa. Hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người. Hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch gắn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: BTC)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng được thể hiện qua ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, phong tục, tập quán, ẩm thực, lễ hội, âm nhạc… góp phần làm đa dạng hoá, tạo nhiều màu sắc hơn cho văn hoá Việt Nam và tất cả những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc đó tạo thành nguồn tài nguyên du lịch văn hoá, nền tảng của những sản phẩm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.
Phát huy tối đa những giá trị của di sản, thời gian qua, một số khu di tích lịch sử, danh thắng đã trở thành những khu, điểm du lịch hấp dẫn, đón hàng triệu khách du lịch trong nước và quốc tế, thu về hàng chục tỷ đồng như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội); Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng (TP. Hồ Chí Minh); Di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế); Khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); phố cổ Hội An (Quảng Nam)… Bên cạnh đó, nhiều giá trị văn hoá phi vật thể đã được khai thác để xây dựng thành những sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hoá, nghệ thuật của khách du lịch như múa rối nước, ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử…
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: BTC)
Những sản phẩm du lịch văn hoá này đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của ngành du lịch Việt Nam. Đặc biệt, nhiều năm liền, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA), Việt Nam đã được vinh danh “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” (2019, 2020, 2022, 2023); “Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á” (2018, 2019); “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á” (2019)… Tuy nhiên, theo Cục trưởng, còn nhiều giá trị văn hoá đặc sắc chưa thực sự được phát huy, trong đó có văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số. Là một bộ phận hữu cơ của văn hóa quốc gia nhưng văn hoá của các dân tộc thiểu số vẫn mang những bản sắc văn hoá riêng có, mới lạ và đầy hấp dẫn. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị của văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch để quảng bá các giá trị văn hoá, mang lại những lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương rất quan trọng, cần được triển khai rộng rãi trên cả nước.
Đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng hội thảo sẽ là cơ hội để các bên cùng nhìn nhận rõ hơn về thực tế công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của các dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó đưa ra những giải pháp, kiến nghị phù hợp để phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc đó, biến chúng thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Phước Hiền phát biểu chào mừng hội thảo (Ảnh: BTC)
Ông Nguyễn Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá. Nét đặc sắc của văn hoá Quảng Ngãi là sự tiếp nối, giao thoa của 3 nền văn hoá Sa Huỳnh - Chăm Pa - Đại Việt với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp nổi tiếng.
Đây cũng là nơi hội tụ, giao thoa của văn hoá đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều nét văn hoá độc đáo từ trang phục, ẩm thực, phong tục, dân ca, dân vũ, nghi lễ truyền thống, ẩm thực… được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Ông Hiền nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để tỉnh Quảng Ngãi khai thác tiềm năng phát triển du lịch bền vững, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh và hoà nhập hơn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe các tham luận về: Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số; Phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi; Thực trạng và giải pháp triển khai Dự án 6 tại tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời tham gia phiên thảo luận với chủ đề Giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số và tiềm năng du lịch.
Các đại biểu đã chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến để phát huy giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch bền vững (Ảnh: BTC)
Theo đó, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ, kiến nghị về các mô hình, điển hình thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Công tác đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết nối các điểm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Định hướng phát triển du lịch gắn với công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Đề xuất giải pháp nhằm triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch hiện nay.
Các chương trình ký kết hợp tác tại hội thảo (Ảnh: BTC)
Trong khuôn khổ hội nghị, chương trình ký kết Hợp tác quảng bá truyền thông văn hóa, du lịch đã diễn ra giữa Báo Văn hóa và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2025 - 2030; Hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Quảng Ngãi với HHDL thành phố Đà Nẵng, CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Lữ hành G7 từ năm 2025 - 2027.
Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)
Phát biểu kết luận hội thảo, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Các bài tham luận và phát biểu được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng đã tập trung làm rõ những nội dung chính: Một là, văn hóa truyền thống tốt đẹp của các các dân tộc thiểu số Việt Nam và trên tỉnh Quảng Ngãi giàu bản sắc, nhiều giá trị, hội tụ đủ các thành tố để phát triển du lịch; trong đó, nổi bật là các giá trị về lễ hội, ẩm thực dân gian, các nghề truyền thống, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, không gian văn hóa... Hai là, các tham luận đã nêu ra các mô hình, điển hình trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch. Ba là, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể, các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch cũng như giải pháp phát triển du lịch Quảng Ngãi thời gian tới.
Các ý kiến phát biểu, tham luận tại Hội thảo là những kinh nghiệm hết sức quý báu, tâm huyết để tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Biểu diễn nghệ thuật tại hội thảo (Ảnh: BTC)
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: Bộ VHTTDL , Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam , Cục trưởng , Nguyễn Trùng Khánh , Hội thảo , Quảng Ngãi , du lịch bền vững , bảo tồn , dân tộc thiểu số
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/59824
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam