17/11/2024 21:11:02
Lượt xem: 157
(TITC) - Ngày 17/11, Hội nghị đánh giá sản phẩm du lịch hiện có và định hướng phát triển theo hướng liên kết vùng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Gạch Gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024. Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu và Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu đồng chủ trì hội nghị.
Chủ trì hội nghị. Ảnh: TITC
Trước đó, từ ngày 14/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức 2 đoàn famtrip, đoàn 1 “ Hành trình sắc màu vùng biên” khảo sát cụm: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long; đoàn 2 “Hành trình từ sông ra biển” khảo sát cụm: Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long. Các đoàn được trải nghiệm làng nghề và các sản phẩm du lịch liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những điểm đến, những sản phẩm du lịch đã hoàn chỉnh hiện đang khai thác, vừa có những điểm còn ở dạng sản phẩm thô, được xem là tiềm năng có thể phát triển thành sản phẩm du lịch trong tương lai.
Hội nghị nhằm tổng kết chương trình khảo sát, đánh giá thực tế của 2 đoàn famtrip về một số sản phẩm, điểm đến của các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm mở rộng liên kết du lịch giữa Đồng bằng sông Cửu Long với các công ty lữ hành của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Phát biểu đề dẫn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu cho biết, điểm nhấn của 2 chương trình famtrip là làng nghề sản xuất gạch gốm đỏ Mang Thít còn ở dạng tiềm năng, đề nghị các đại biểu đánh giá, góp ý, đề xuất những sáng kiến, những hướng đi để xây dựng thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh trong tương lai.
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long trong việc phát triển các sản phẩm du lịch.
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cũng cho rằng, không riêng Vĩnh Long mà các địa phương khác cũng rất trăn trở, làm sao nhận diện, khai thác, phát huy được tài nguyên du lịch, đặc biệt là các giá trị văn hóa hiện có của địa phương, tranh thủ thế mạnh riêng có để xây dựng thành các nhân tố mới, sản phẩm mới, bộ sản phẩm độc đáo, không trùng lặp với địa phương khác, qua đó càng gia tăng được tính liên kết vùng của sản phẩm...
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị cách làm cần chuyên nghiệp hơn từ khâu tổ chức, hoàn thiện sản phẩm, công tác truyền thông sản phẩm từ khi bắt đầu xây dựng đến khi đưa vào khai thác, gia tăng tính liên kết trong sản phẩm, thu hút và hướng dẫn cộng đồng tham gia làm du lịch một cách bài bản, bồi dưỡng nguồn nhân lực, khai thác các ứng dụng công nghệ trong công tác xúc tiến quảng bá…
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TITC
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao vai trò chủ động của Thành phố Hồ Chí Minh trong vai trò đầu tàu liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố là cửa ngõ đón và phân phối khách, đưa ra các nhu cầu, thu hút các địa phương tham gia đáp ứng trải nghiệm ngày càng cao của du khách. Hoạt động của Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh hằng năm là một minh chứng rõ nét.
Chủ tịch HĐTV Lửa Việt Tours Nguyễn Văn Mỹ phát biểu. Ảnh: TITC
Tham gia hội nghị có đông đảo các đại biểu đến từ các công ty lữ hành, các trường đào tạo về du lịch, các chuyên gia… Đánh giá chung đều công nhận khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất phong phú sản phẩm du lịch, đặc biệt là ở dạng tiềm năng thì còn rất nhiều dư địa để khai phá và mở rộng các mối liên kết nội vùng về sản phẩm và liên kết mở rộng ra cả nước về lĩnh vực khai thác tour; đã có những đánh giá, góp ý rất cụ thể, thiết thực cho các sản phẩm, dịch vụ tại các điểm đến. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất là hạ tầng nhiều nơi chưa thể đáp ứng yêu cầu của du khách ngày càng cao; công tác chuyên môn, nhân lực chưa đủ để đáp ứng tính chuyên nghiệp cao trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch ở cả mảng sản phẩm đã hoàn chỉnh và mảng tiềm năng.
Hội nghị cũng chứng kiến các doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác sản phẩm du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng kết hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu cảm ơn và tiếp thu những bài học, những ý kiến rất xác đáng của các đại biểu và sẽ báo cáo lên cấp trên những vấn đề vượt quá thẩm quyền nhằm hoàn thiện và nâng cao tính liên kết của các sản phẩm du lịch các tỉnh phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long.
Một số hình ảnh tại hội nghị:
Các doanh nghiệp lữ hành ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: TITC
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu tổng kết hội nghị. Ảnh: TITC
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu tham quan các gian hàng. Ảnh: TITC
Lãnh đạo và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TITC
Trung tâm Thông tin du lịch
Thẻ bài viết: Bộ VHTTDL , Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam , Phó Cục trưởng , Hà Văn Siêu , hội nghị , sản phẩm du lịch , liên kết , Đồng bằng sông Cửu Long , Vĩnh Long
Nguồn bài viết: https://vietnamtourism.gov.vn/post/59701
1. Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình Du lịch Việt Nam. Tuân thủ Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành QĐ718 – 2017.pdf
2. Thực hiện Chế độ báo cáo thống kê du lịch ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ công khai
4. Chấp nhận thanh toán điện tử, giao dịch sử dụng thẻ Thẻ du lịch
5. Cam kết sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có chương trình ưu đãi cho khách du lịch
6. Có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, phản ánh của khách du lịch qua ứng dụng Du lịch Việt Nam